Hội thảo “Tác động của quá trình đô thị hóa đối với cộng đồng dân cư - Những bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ấn Độ và thực tiễn Việt Nam”


Ngày 10/11/2015, Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Luật – ĐHQG Tp.HCM và Viện nghiên cứu phát triển của Pháp tại Việt Nam (IRD) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tác động của quá trình đô thị hóa đối với cộng đồng dân cư  - Những bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ấn Độ và thực tiễn Việt Nam”.
 
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia của 10 trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu trong nước cùng nhiều chuyên gia đến từ Pháp, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc. Hội thảo còn thu hút sự quan tâm tham dự của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý các huyện, thị, các sở ban ngành trong và ngoài tỉnh Bình Dương. Hơn 200 cán bộ giảng viên, sinh viên Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Kinh tế - Luật Tp.HCM với tinh thần hiếu học hiếu tri cũng dành thời gian tham dự.
 
Trong diễn văn khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Thủ Dầu Một – đồng trưởng ban tổ chức, đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của hội thảo trong việc tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên trong việc đánh giá tác động của quá trình công nghiệp hóa đối với cộng đồng dân cư, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc hoạch định chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước. Với mục tiêu này, hội thảo đã lắng nghe 13 tham luận của các nhà khoa học xoay quanh 3 chủ đề lớn: Khu công nghiệp và quản lý nông thôn, Cụm công nghiệp, Quản lý đất đai.
 
Ở phiên làm việc thứ nhất với chủ đề “Khu công nghiệp và quản lý nông thôn”, 4 tham luận đã đề cập đến các chương trình xây dựng nông thôn mới, thực trạng sử dụng đất ở đô thị Nam bộ, những tác động của quá trình phát triển đô thị hóa. Qua đó tiếp tục định hướng những vấn đề cấp thiết, những vấn đề có tính đặc thù trong nghiên cứu về chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp và vai trò quản lý nông thôn tại Việt Nam.
 
Phiên làm việc thứ hai có chủ đề “Cụm công nghiệp” được triển khai qua 3 tham luận. Các diễn giả và đại biểu đã tập trung phân tích nhiều khía cạnh khác nhau về sự ảnh hưởng tích cực lẫn hạn chế của các cụm công nghiệp đối với việc phát triển kinh tế thị trường, môi trường sinh thái, cũng như đối đời sống của cộng đồng dân cư. Trong đó, việc kiểm soát đất đai và mở rộng cơ sở hạ tầng dịch vụ ở các cụm công nghiệp cần được thực hiện đúng theo quy hoạch không chỉ ở địa phương mà cần được mở rộng ở trong phạm vi của tỉnh, vùng.
 
Tại phiên làm việc thứ ba với chủ đề “Quản lý đất đai”, các nhà khoa học đã trình bày và thảo luận về các nội dung xoay quanh việc giải quyết nhà ở cho người lao động, việc quản lý đất đai ở vùng nông thôn và đô thị từ thực trạng của quá trình phát triển CNH- HĐH, từ đó đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong bối cảnh mới.
 
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã dành thời gian tham quan khu công nghiệp Việt Nam – Singapore - một trong các khu công nghiệp được xem là kiểu mẫu tại Việt Nam hiện nay.


Diễn giả Vijayabaskar báo cáo tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm

BBT