Hợp tác nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam bộ với Viện Viễn Đông Bác cổ


Trong tuần qua, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Hiệu trưởng đã dẫn đầu Đoàn cán bộ Nhà trường làm việc với Viện Viễn Đông Bác cổ nhằm hướng đến phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu về miền Đông Nam bộ và tổ chức các khóa tập huấn phương pháp nghiên cứu liên ngành. Đón tiếp Đoàn có GS. Olivier Tessier – Phụ trách Viện Viễn Đông Bác cổ tại Tp.HCM.

Trao đổi tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ, song song với chiến lược đổi mới, cải tiến chất lượng đào tạo, Nhà trường đang chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu khoa học hướng tới xây dựng trường Đại học Thủ Dầu Một là trung tâm văn hóa – giáo dục – khoa học công nghệ có uy tín trong nước và quốc tế. Theo đó, những chương trình trọng điểm được Trường triển khai từ năm 2015 là 3 đề ánnghiên cứu về Đông Nam bộ, nghiên cứu Thành phố Bình Dương thông minh, nghiên cứu nông nghiệp đô thị. Với đề án nghiên cứu về Đông Nam bộ, Nhà trường mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của Viện trong các hạng mục nghiên cứu của đề án; đồng thời, thúc đẩy các giảng viên hình thành năng lực nghiên cứu độc lập và đủ năng lực công bố kết quả khoa học theo các chuẩn quốc tế, Nhà trường đề nghị được mở các khóa tập huấn phương pháp nghiên cứu liên ngành ở trường Đại học Thủ Dầu Một do các chuyên gia của Viện trực tiếp giảng dạy.

Với bề dày lịch sử và năng lực nghiên cứu, GS. Olivier Tessier  bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Nhà trường trong việc phối hợp thực hiện nghiên cứu các lĩnh vực thuộc Đề án Đông Nam bộ. Đồng thời, với đội ngũ chuyên gia - nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm, Viện cam kết hỗ trợ Nhà trường tổ chức các khóa tập huấn phương pháp nghiên cứu liên ngành giúp cán bộ giảng viên và sinh viên Trường phát triển khả năng nghiên cứu khoa học theo hướng liên ngành trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, GS. Olivier đã giới thiệu sơ nét về khóa học mùa hè “Những ngày Tam Đảo” (JTD). Đây là khóa học được đồng tổ chức bởi Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam AFD, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác cổ EFEO, Cơ quan Đại học Pháp ngữ… Khóa học mang đến cho học viên một chương trình đào tạo về phương pháp phân tích trong các ngành khoa học xã hội – địa lý, kinh tế, thống kê, xã hội học – nhân học, lịch sử… do các chuyên gia và nhà nghiên cứu Pháp giảng dạy. Với những lợi ích thiết thực của khóa học mang lại, GS. Olivier ngỏ lời mời cán bộ giảng viên và sinh viên Nhà trường cùng tham gia tổ chức. Ngoài ra, GS. Olivier và cộng sự đã dành thời gian chia sẻ về các chương trình nghiên cứu của Viện và mời đội ngũ cán bộ giảng viên Nhà trường cùng tham gia phối hợp nghiên cứu về dự án khai thác và quản lý nguồn nước Phước Hòa trên lưu vực sông Đồng Nai.


Theo đề xuất của GS. Olivier, hai bên đã dành thời gian thảo luận chi tiết về hình thức đăng ký tham gia khóa học mùa hè, các nội dung nghiên cứu của dự án thủy lợi Phước Hòa. Theo đó, hai bên dự kiến tuyển chọn các giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học có năng lực cùng tham gia dự án; đồng thời sẽ mở rộng phạm vi nghiên cứu dự án thủy lợi Phước Hòa trong vấn đề quản lý nguồn nước trên lưu vực sông Sài Gòn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương. Với tư cách là đơn vị đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong khu vực, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp tin tưởng rằng Nhà trường sẽ làm tốt vai trò của mình trong việc góp phần tổ chức cho khóa học mùa hè JTD. Chính vì vậy, trong sự kiện tiếp theo của khóa học, trường Đại học Thủ Dầu Một mong muốn được là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện.


Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp cảm ơn sự đón tiếp ân cần của Viện dành cho đoàn. PGS khẳng định, buổi gặp gỡ với các định hướng hợp tác đã được hai bên thống nhất là sự kiện khởi đầu ý nghĩa giữa trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Viễn Đông Bác cổ trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Sự hỗ trợ của Viện sẽ làm gia tăng chất lượng nghiên cứu của đề án, góp phần đem lại thông tin, tri thức, xây dựng cộng đồng học thuật mạnh mẽ, phục vụ cho hoạt động giảng dạy của Nhà trường; đồng thời đóng góp những giải pháp khoa học để phát triển bền vững trong các lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp, đô thị - nông thôn, giải pháp phát triển bền vững các ngành, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, của đất nước.

Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), tiền thân là “Phái đoàn khảo cổ học Đông Dương”, thành lập ngày 15/12/1898, sau được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đổi tên thành Viện Viễn Đông Bác cổ (ngày 20/1/1900). Ban đầu, phái đoàn dự kiến neo đậu ở Ấn Độ, song đã chọn Việt Nam sau khi cân nhắc thấy nơi này “hứa hẹn nhiều hơn về mặt văn hóa”.
EFEO là cơ quan khoa học lâu đời nhất của Pháp chuyên nghiên cứu Châu Á, xuất phát từ ý muốn lấp đầy sự thiếu hụt đầu tư cho việc nghiên cứu ngôn ngữ, di tích, văn học và lịch sử vùng Viễn Đông của một nhóm nhà Đông phương học, các thành viên của Viện hàn lâm Văn khắc và văn chương (AIBL).
EFEO có văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội (Việt Nam), Phnom Penh và Siem Reap (Campuchia), Seoul (Hàn Quốc), Pondicherry và Pune (Ấn Độ), Jakarta (Indonesia), Tokyo và Kyoto (Nhật Bản), Vientiane (Lào), Kuala Lumpur và Yangon (Malaysia), Hong Kong và Bắc Kinh (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok và Chiang Mai (Thái Lan).
(Trích lược từ sách Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu - Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam của Pascal Bourdeaux và Olivier Tessier).

 
Hai bên thảo luận nội dung các dự án hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học

BBT